Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951) Cương_lĩnh_chính_trị_của_Đảng_Cộng_sản_Việt_Nam

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 11 đến 19-2-1951 tại xã Vinh Quang (nay xã Kim Bình), huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Đại hội đưa ra những văn kiện quan trọng: Diễn văn khai mạc Đại hội do đồng chí Tôn Đức Thắng đọc; Báo cáo hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội, tức là bản Luận cương cách mạng Việt Nam, do đồng chí Trường Chinh trình bày; Chính cương Đảng Lao động Việt Nam; Điều lệ Đảng Lao động Việt Nam; Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam, là những văn kiện chủ yếu về nội dung Cương lĩnh thứ ba của Đảng. Tại Đại hội có 6 báo cáo tham luận về Mặt trận, chính quyền dân chủ nhân dân, xây dựng quân đội, kinh tế tài chính, xây dựng văn nghệ nhân dân và thi đua ái quốc cùng 4 Nghị quyết Đại hội về Báo cáo chính trị, công tác quân sự, công tác mặt trận và dân vận, về tờ báo Nhân dân là cơ quan Trung ương của Đảng, bổ sung cho nội dung Đại hội.

Báo cáo chính trị đã tổng kết khái quát tình hình thế giới trong nửa đầu thế kỷ XX; thắng lợi cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời lãnh đạo qua các thời kỳ cho đến giai đoạn tổng phản công của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đề ra từ năm 1950, đã chứng tỏ đường lối, chính sách của Đảng ta là đúng; thành tích nhiều, khuyết điểm cũng không ít như khuynh hướng hoặc "tả" hoặc "hữu", chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, hẹp hòi và bệnh công thần. Từ đó xác định tình hình mới, nhiệm vụ mới của Đảng, nhiệm vụ chính trước mắt là đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tổ chức xây dựng Đảng Lao động Việt Nam, để lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện tiến đến chủ nghĩa xã hội" (4).

Luận cương cách mạng Việt Nam là bản Cương lĩnh chính trị mới của Đảng. Phân tích tính chất xã hội Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp: dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và phần nửa phong kiến; mâu thuẫn chủ yếu giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược diễn ra quyết liệt dưới hình thức chiến tranh; đối tượng của cách mạng Việt Nam là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ cùng bè lũ Việt gian bù nhìn bán nước; xác định nhiệm vụ cơ bản hiện thời của cách mạng là đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập thống nhất, xóa bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân; gây cơ sở vật chất - kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội. Điều đó có nghĩa cuộc kháng chiến chống Pháp là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, nhiệm vụ phản đế giải phóng dân tộc là trọng tâm, nhiệm vụ chống phong kiến, giành quyền dân chủ tiến hành đồng thời nhưng phải có kế hoạch tiến hành từng bước, nhiệm vụ giải phóng dân tộc bao gồm cả hai nhiệm vụ phản đế và phản phong; cách mạng dân tộc dân chủ do nhân dân tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Con đường tiến đến chủ nghĩa xã hội trải qua một thời gian dài gồm 3 giai đoạn, kế tục nhau và quan hệ mật thiết: kháng chiến tiêu diệt đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, củng cố Nhà nước dân chủ nhân dân; cải cách ruộng đất triệt để, phát triển nông nghiệp, công nghiệp dưới hình thức hợp tác hóa, kỹ nghệ hóa; đẩy mạnh công nghiệp hóa xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.

Luận cương cách mạng Việt Nam là sự bổ sung, hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của Đảng, soi sáng nhiệm vụ trước mắt và về sau của cách mạng nước ta.

Đại hội lần thứ II quyết định đưa Đảng ra công khai và lấy tên Đảng Lao động Việt Nam. Bổ sung cho Cương lĩnh của Đảng còn có Chính cương, Tuyên ngôn và Điều lệ Đảng xác định mục đích, tôn chỉ, nhiệm vụ lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thắng lợi và nhiệm vụ xây dựng Đảng. Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ cơ sở đến Trung ương và trong quân đội bao gồm các cấp ủy: Chi ủy, Đảng ủy, quận, huyện ủy, thị ủy, tỉnh ủy, thành ủy, xứ ủy, khu ủy, Trung ương. Trong Đảng đã đặt ra chế độ khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh để tất cả đảng viên, tổ chức đảng thi hành.